📰Bánh Chít (Bánh Chưng Gù) của người Dao đỏ
Bánh chít, hay còn gọi là bánh chưng gù, là món ăn truyền thống của người Dao Đỏ tại các vùng núi phía Bắc Việt Nam, đặc biệt là ở Hà Giang và Lào Cai.
Last updated
Bánh chít, hay còn gọi là bánh chưng gù, là món ăn truyền thống của người Dao Đỏ tại các vùng núi phía Bắc Việt Nam, đặc biệt là ở Hà Giang và Lào Cai.
Last updated
Loại bánh này thường xuất hiện vào các dịp lễ Tết, đặc biệt là vào ngày Rằm tháng Giêng và Rằm tháng Bảy âm lịch – những ngày lễ quan trọng để bày tỏ lòng thành kính và biết ơn đối với tổ tiên và thiên nhiên.
Nguyên liệu để làm bánh chít thường bao gồm những thành phần dân dã, dễ tìm ở địa phương.
Đầu tiên phải kể đến đó là lá chít – một loại lá đặc trưng của vùng núi phía Bắc, những chiếc lá xanh mướt to bản và đầy sức sống, mọc thẳng đứng thành từng bụi cao từ 1 đến 1,5 m. Với màu xanh gần giống với lá dong (loại lá phổ biến ở vùng đồng bằng) có chiều dài khoảng 35cm và rộng từ 8 đến 10 cm. Để đạt điều kiện mang về gói bánh, những chiếc lá chít thường phải là những lá bản to và xanh tươi, còn những lá đã ố vàng và héo úa sẽ không được sử dụng.
Sau khi thu hoạch mang về, lá chít được cắt bỏ phần đầu cuối, rửa sạch thật nhẹ nhàng để không bị rách và rồi luộc qua nước sôi 2 - 3 phút. Đây cũng là phần khác biệt so với những quy trình làm bánh thông thường khác, việc trần lá chít qua nước sôi không chỉ giúp làm mềm lá mà còn giúp bánh có mùi thơm đặc trưng hơn cũng như có thể bảo quản được lâu hơn.
Thứ hai đó là lựa chọn gạo nếp nương thật kỹ, loại gạo có hạt tròn, mẩy, với độ dẻo và mùi thơm đặc trưng. Trước khi gói, gạo nếp thường được ngâm trong nước pha tro rơm từ 2-4 tiếng, giúp bánh có màu đen tự nhiên, đồng thời giữ cho bánh mềm hơn sau khi luộc.
Quy trình gói và luộc bánh chít
Phần nhân bánh thường bao gồm thịt lợn ba chỉ cắt vừa miếng được tẩm ướp gia vị đặc trưng của người Dao Đỏ. Để tạo hương vị đậm đà, người dân thường ướp thịt với một chút muối, tiêu, và một số loại thảo mộc đặc trưng của núi rừng, giúp nhân bánh thơm ngon. Đỗ xanh cũng được chọn lọc kỹ, đem hấp chín để giúp bánh có vị bùi và thơm ngon. Bên cạnh đó, dây buộc bánh cũng được làm từ lạt mềm, giữ cho bánh chặt và nguyên vẹn trong quá trình nấu.
Công đoạn gói bánh chít đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ, điều này cũng là nét đặc trưng trong văn hóa của người Dao Đỏ. Do lá chít nhỏ và mỏng hơn lá dong, nên người làm bánh thường sẽ cẩn thận xếp từ 15 - 20 chiếc lá thành nhiều lớp lên nhau.
Sau đó khéo léo đặt một lượng gạo vừa đủ và nhân vào giữa, rồi dùng lạt mềm đã chuẩn bị gói lại thành hình dáng “lưng gù” nổi bật. Đây không chỉ là nét đặc biệt mà còn mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc, phần “lưng gù” của bánh như tượng trưng cho tinh thần mạnh mẽ, bền bỉ của người Dao Đỏ – những con người luôn kiên cường sống và gắn bó thân thiết với núi rừng hùng vĩ.
Cách bảo quản bánh chít của người Dao
Bánh chít sau khi luộc từ 8 - 12 tiếng xong sẽ có màu đen bóng, hạt gạo mềm dẻo hòa cùng vị thơm của lá chít, mùi béo ngậy của thịt ba chỉ và vị bùi của đậu xanh, tạo nên một hương vị rất đặc trưng của núi rừng.
Một điều khác biệt nữa đó là khi sử dụng lá chít để gói thay vì lá dong, chiếc bánh sẽ ráo nước nhanh hơn nên vì vậy thời gian bảo quản cũng sẽ lâu hơn từ 3 - 4 ngày trong điều kiện thời tiết bình thường.
Bánh chít của người Dao Đỏ không chỉ là một món ăn mà còn là một món quà của tinh thần, gói ghém trong đó từng giá trị truyền thống đẹp đẽ, là hương vị của đất trời và là nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc nơi đây, gắn kết giữa con người và thiên nhiên hùng vĩ.
Có thể nói, Panhou lựa chọn bánh Chít cho hoạt động Cooking Class vì đây là món ăn truyền thống đậm nét văn hóa địa phương, gắn liền với cuộc sống và nghi lễ của người dân tộc Dao Đỏ.