📰Tín ngưỡng thờ cúng Bàn Vương: Nguồn cảm hứng di sản cho thương hiệu Panhou Retreat

Giữa đại ngàn Hoàng Su Phì kỳ vĩ, khu nghỉ dưỡng Panhou Retreat mang trong mình không chỉ sức sống mãnh liệt của thiên nhiên hoang sơ, mà còn là hơi thở huyền sử của truyền thuyết

  1. Truyền thuyết Bàn Hồ - Nguồn gốc cộng đồng dân tộc Dao

Từ những câu chuyện dân gian truyền miệng của bà con bản địa, cho đến kho tàng sách cổ bằng chữ Nôm Dao được lưu giữ và bảo tồn tại tỉnh Hà Giang, tất cả đều khẳng định nguồn cội của đồng bào dân tộc Dao tại Việt Nam gắn liền với truyền thuyết Bàn Vương (hay còn gọi là Bàn Hồ) - Vị Thuỷ tổ khai sinh nên các nhánh Dao phân bố khắp các tỉnh phía Bắc.

Tương truyền, xa xưa, vùng đất nơi vua Bình Vương cai trị thường xuyên bị Cao Vương đem quân sang đánh chiếm và xâm lược, khiến cho dân chúng ngày đêm sống trong bất an và lo sợ. Đứng trước nguy cơ nước mất nhà tan, Bình Vương đã đứng lên tuyên bố sẽ trọng thưởng và gả con gái làm vợ cho bất cứ ai trừ khử được tên bạo chúa Cao Vương. Lắng nghe lời thỉnh cầu của vị vua dưới hạ giới, một vị thần tên Bàn Hồ đã xin được giáng xuống trần gian và hóa thành long khuyển để hành thích Cao Vương. Trải qua bảy ngày bảy đêm lênh đênh trên sóng nước, cuối cùng Bàn Hồ đã bơi được đến đất của vua Cao Vương. Bắt gặp một chú chó có vẻ ngoài lạ mắt, vua Cao Vương không nghĩ ngợi nhiều mà lập tức đem nó về nuôi và để bên mình hàng ngày, không biết đã lọt vào bẫy của Bàn Hồ. Một ngày nọ, chớp lấy thời cơ khi Cao Vương còn đang trong cơn say rượu, Bàn Hồ đã thành công tiêu diệt và đem được đầu của vị vua thủ ác về cho vua Bình Vương. Lập được đại công, đem lại thái quốc dân an mà Bình Vương hằng mong mỏi, vị thần Bàn Hồ đã được nhà vua gả công chúa làm vợ và ban cho đất đai của cải. Vợ chồng Bàn Hồ lần lượt sinh được 12 người con gồm 6 trai và 6 gái, tất cả đều được vua cha ban sắc thành 12 họ (Bàn, Lam, Mãn, Uyển, Đặng, Triệu, Lương, Tống, Phượng, Đối, Lưu, Lý), ứng với các dòng họ phổ biến ngày nay của người Dao. Sau khi được truyền ngôi, Bàn Hồ lấy hiệu là Bàn Vương và cai trị nhân dân chung sống trong hòa thuận, hướng dẫn họ và con cháu canh tác nương rẫy, học cách dệt vải, cùng nhau săn bắt và khai thác sản vật.

Đến năm Hồng Vũ thứ 40 (tức năm 1368), hạn hán triền miên khắp nơi khiến các hậu duệ của Bình Vương rơi vào cảnh thiếu thốn, đói kém. Dưới sự phù hộ của sư tổ, 12 dòng tộc người Dao đã cùng nhau di cư xuống phia Nam và chọn rừng sâu làm nơi canh tác ổn định cuộc sống, chính là khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam bây giờ. Tưởng nhớ và trả nguyện cho công ơn lớn lao của Bàn Vương với hậu thế, các dòng họ Dao đã tổ chức làm lễ cúng vào ngày mất của ông. Ngay cả khi xảy ra thiên tai bệnh dịch, mùa màng thất bát, gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống nhân dân, các bản làng người Dao cũng tìm đến sức mạnh thiêng liêng của Bàn Hồ mà tổ chức nghi tế cúng tế ngài.

  1. Truyền thống thờ cúng Bàn Vương - Nét đẹp văn hoá ngàn đời

Bằng niềm tin và tình yêu hướng về nguồn cội, mỗi năm, người dân đồng bào dân tộc Dao ở khắp nơi đều tổ chức lễ cúng vị vua Bàn Vương. Tùy vào vùng miền địa lý và tập tục truyền thống riêng của mỗi dòng họ Dao mà nghi thức cúng Bàn Hồ có sự đa dạng cả về quy mô cũng như cách thức tổ chức. Tuy nhiên, tất cả đều dành sự tôn kính tuyệt đối tới vị thần linh thiên của dân tộc và cầu nguyện cho một năm mới mưa thuận gió hoà, đời sống con cháu ấm no, hạnh phúc đủ đầy.

Hiện nay cách thức tổ chức lễ cúng Bàn Vương phổ biến ở 2 kiểu. Kiểu thứ nhất là làm lễ với quy mô lớn gồm nhiều hộ gia đình người Dao trong bản cùng đứng ra tổ chức như một lễ hội. Thời gian tổ chức thường kéo dài tới vài ngày gồm cả lễ và hội. Dựng ở gia đình có uy quyền trong vùng, đàn cúng tế Bàn Hồ nhất định phải được trang trí với bộ tranh Hành Phây là bộ tranh thờ truyền thống của người Dao trong đó có nhân vật Bàn Vương. Sản vật cúng tế được lấy từ hoạt động canh tác và nuôi trồng của họ, như trâu bò, lợn, gà, hay thóc lúa. Thầy cúng tiến hành nghi thức tạ ơn và cầu mong những điều tốt lành cho nhân dân trong bản. Dân làng lần lượt dâng lễ vật cho Bàn Vương và tổ chức ca múa dân gian để tưởng nhớ công lao của vị tiên tổ.

Kiểu thờ cúng thứ hai là được gói gọn trong quy mô dòng họ hoặc gia đình, khi có thành viên liên tục gặp điều không may. Hình thức cúng tế này gần giống với lễ giải hạn thường thấy ở khu vực miền xuôi Việt Nam. Lễ cúng Bàn Vương được tiến hành trước tiên với việc lập đàn cúng, và treo tranh thờ. Thầy cúng sau đó sẽ bắt đầu làm phép tẩy uế quanh khu vực làm lễ bằng nước phép, rồi mới thực hiện nghi thức mời gọi Bàn Vương và thần linh thổ địa. Buổi lễ kết thúc khi thầy cúng đốt giấy tiền vàng tiễn đưa Bàn Hồ và các vị gia tiên thánh thần về với cõi trời.

  1. Tầm vóc sử thi Bàn Hồ - Định hình giá trị Panhou Retreat

Lễ cúng Bàn Vương có ý nghĩa văn hóa quan trọng với cộng đồng người Dao nói riêng cũng như kho tàng bản sắc đa dạng của Việt Nam nói chung. Đây là nghi thức sinh hoạt tâm linh mang đậm tính nhân văn, giáo dục người Dao hướng về nguồn cội. Hơn nữa, lễ cúng Bàn Vương không chỉ là lễ nghi truyền thống mà còn là dịp để cộng đồng tụ hội, chia sẻ, và duy trì những giá trị truyền thống, từ đó, liên kết, gắn bó mọi người tạo nên sức mạnh cộng đồng.

Gắn bó tại huyện vùng cao Hoàng Su Phì với bề dày văn hóa lịch sử cùng những câu chuyện sử thi huyền bí, Panhou Retreat đã được đội ngũ phát triển lấy cảm hứng từ vị thần Bàn Hồ quyền năng của người Dao mà đặt nên danh xưng như hiện tại. Ấn tượng trước hình ảnh vị vua Bàn Vương mạnh mẽ, quyết đoán nhưng cũng rất tình nghĩa và yêu quý nhân dân, Panhou Retreat mong muốn được xây dựng và phát triển thương hiệu dựa trên hình tượng cao quý đó, tạo nên sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới tâm trí của khách hàng và cộng đồng địa phương. Panhou Retreat luôn hướng đến trách nhiệm bảo tồn và tôn trọng thiên nhiên, cũng như cung cấp không gian nghỉ dưỡng an lành, thư thái và thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, Panhou Retreat cũng tạo cơ hội cho du khách tìm hiểu về văn hóa và đời sống của người dân địa phương, góp phần bảo tồn nét đẹp bản sắc và tôn vinh tình cảm mến khách của con người vùng đất Hà Giang.

Last updated