Nguồn gốc của Lễ hội Nhảy lửa của người Dao đỏ
Là một nghi thức thiêng liêng trong đời sống sinh hoạt cộng đồng, Lễ hội Nhảy lửa được đồng bào dân tộc Dao tại huyện Hoàng Su, Phì tỉnh Hà Giang tổ chức trong vòng 15 ngày đầu tháng Giêng, là dịp để họ cảm tạ trời đất, tổ tiên, cũng như cầu chúc cho tương lai mùa màng bội thu và cuộc sống ấm no đủ đầy.
Theo quan niệm từ thời cha ông để lại, ngọn lửa đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống văn hoá tâm linh và sinh hoạt của người Dao đỏ. Ngọn lửa rực sáng được coi là vị Thần có sức mạnh giúp chúng sinh diệt trừ ma quỷ, bệnh tật, đem lại bình yên và hạnh phúc cho cuộc sống muôn nơi. Vì thế, mỗi dịp xuân về, trong không khí hân hoan đón chào năm mới, cộng đồng người Dao đỏ lại tất bật chuẩn bị tổ chức Lễ hội Nhảy lửa ở khắp các bản làng.
Những hoạt động của người Dao đỏ trong Lễ hội Nhảy lửa
Nghệ nhân Triệu Chòi Hín, người nắm giữ các văn bản cổ ghi chép bằng tiếng Nôm Dao cũng như đảm nhiệm chính trong các lễ cúng trước ban thờ tổ tiên người Dao, cho biết tất cả những thanh niên trai tráng muốn được tham gia nhảy lửa phải tuân thu các quy tắc nghiêm ngặt. Họ phải đảm bảo rằng thân thể không được phép bị làm “vấy bẩn” trước buổi lễ để tránh sự trừng phạt của thần linh làm bỏng mình. Do đó, nghi thức nhảy lửa thường được người Dao đỏ tổ chức vào buổi tối, sau khi các nam nhân đã ăn uống no nê và tắm gội sạch sẽ. Ngoài ra, để tiến hành lễ hội đặc biệt này, mâm cúng dâng lên cho Thần lửa phải đầy đủ gà luộc, gạo trắng, 5 chén rượu, một chén nước trắng, ống tre cắm hương, tiền âm làm bằng giấy bản, đèn cầy… và được bày biện ngăn ngắn trên một bàn gỗ dài.
Khi mọi thứ đã được chuẩn bị đúng yêu cầu, thầy cúng bắt đầu thực hành lễ cúng tế, xin phép thần linh và lần lượt đọc tên từng người tham gia nhảy lửa. Lúc này, những thanh niên chuẩn bị nhảy lửa ngồi trên băng ghế thấp trước ngọn lửa hồng đã được đốt cháy rực sáng trên đống củi lớn giữa sân để đợi thầy làm phép nhập tâm. Khi thầy cúng đang niệm chú cầu xin nhờ các vị thần linh, và ông bà tổ tiên phù hộ cho người chơi không gặp nạn thì những người chơi sẽ đặt tay lên gối và nhắm mắt nguyện cầu theo.
Khi thầy cúng đọc đến những trang thần chú cuối cùng, các trai tráng tham gia cuộc chơi bắt đầu nhập tâm, dường như cơ thể họ dần thoát li khỏi thực tại khi mỗi lúc một run rẩy và lắc lư mạnh mẽ hơn. Họ đứng lên như theo tiếng gọi của thân linh, chân nhảy theo nhịp tự tin cùng nhau tiến tới đống than còn đang bừng rực đỏ, trong nhịp trống dồn dập và tiếng reo hò cổ vũ của dân chúng đứng xem bên ngoài. Có lẽ trong vòng tay bảo vệ chở che của đấng tối cao, những nam nhân không chần chừ mà nhảy thẳng vào giữa đống lửa, dùng chân trần gạt than để tạo chỗ trống mà quỳ xuống. Không chút do dự hay sợ hãi, từng người vốc những nắm than tro nóng bỏng dội thẳng lên đầu, lên thân thể, mà người đồng bạo gọi đó là hình thức tắm lửa (Diao xin). Bàn tay và thân thể có thể bị dính bẩn bởi bụi than tro tàn nhưng không hề bị sức nóng của ngọn lửa làm cho tan chảy hay cháy sém.
Từng tốp thanh niên tung lên giữa màn đêm những chùm than sáng đỏ, say sưa biểu diễn tới khi tắt lửa mới kết thúc, tạo nên bức tranh văn hoá độc bản khó tìm thấy ở bát kỳ nơi đâu. Với quan niệm của người Dao đỏ, tham gia nhảy lửa chính là cách người đàn ông thể hiện được sức mạnh, sự dũng cảm và lòng gan dạ, cũng như biểu thị sự nhanh nhẹn và khéo léo để sẵn sàng đối diện và vượt qua mọi thử thách gian nan. Vì thế, các thiếu nữ người Dao luôn dành đến sự thán phục, ngưỡng mộ, và đặc biệt là tình yêu cảm mến cho những chàng trai đã thành công thực hiện nghi thức nhảy lửa.
Nỗ lực bảo tồn Lễ hội Nhảy lửa của người Dao đỏ
Dù cuộc sống của đồng bào Dao đỏ ở Hoàng Su Phì đã ngày một phát triển và hiện đại, song những nét phong tục đặc sắc lâu đời như Lễ hội Nhảy lửa vẫn được các thế hệ người dân bảo tồn và trân quý. Đây không chỉ thể hiện khát vọng chế ngự, làm chủ thiên nhiên và ước vọng vun đắp cuộc sống yên ấm hoà bình của con người; mà còn góp phần làm bền chặt sợi dây tinh thần gắn kết các thế hệ, các cộng đồng dân tộc, từ đó hình thành nên sức mạnh đoàn kết, chung sức xây dựng một tương lai bền vững và thịnh vượng.
Được truyền cảm hững bởi bản sắc văn hoá của người Dao đỏ, Panhou Retreat cam kết đồng hành cùng bà con dân tộc tại huyện Hoàng Su Phì trong công cuộc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những di sản văn hoá phi vật thể của khu vực. Đồng thời, chúng tôi cũng hy vọng được hợp tác lâu dài cùng đồng bào địa phương trong nỗ lực quảng bá văn hoá bản địa tới du khách trong nước và quốc tế, hướng tới chinh phục những mục tiêu phát triển bền vững trong chiến lược kinh doanh của chúng tôi.